1. Tình hình kinh tế Mỹ
Kinh tế Mỹ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn trong tháng 9/2022. Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiếp tục tăng cao trong tháng 9, bất chấp việc giá xăng đã giảm. Sự gia tăng trong chỉ số giá khiến người lao động khó khăn, thu nhập trung bình mỗi giờ giảm 0,1% so với tháng 8 và giảm đến 3% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát tại Mỹ hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid, khủng hoảng tại Ukraine và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Việc giá cả gia tăng buộc Cục Dự trữ liên bang phải nâng lãi suất cơ bản, điều này tạo ra nhiều nguy cơ cho kinh tế Mỹ. Trong năm 2022, FED đã phải nâng lãi suất 5 lần. Ngày 22/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất thêm 0,75%, đưa lãi suất cơ bản liên bang lên mức 3% - 3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Chính phủ Mỹ cam kết sẽ đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%/năm, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp cao và khả năng suy thoái kinh tế trong ngắn hạn.
Thị trường lao động
Trong tháng 9, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, tương ứng với tỉ lệ của tháng 7/2022; số lượng người thất nghiệp giảm còn 5,8 triệu[i]. Nền kinh tế có thêm 263.000 việc làm, dẫn đầu là khu vực giải trí và du lịch với 83.000 việc làm mới trong tháng. Tuy nhiên, tháng 9/2022 là tháng có số lượng việc làm mới thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Tính đến tháng 9/2021, mức tăng trưởng việc làm trung bình hàng tháng năm 2022 chỉ đạt 420.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với mức 562.000 trong năm 2021. Một số lĩnh vực khác có thêm nhiều việc làm mới bao gồm chăm sóc sức khoẻ (+60.000), dịch vụ kinh doanh và chuyên nghiệp (+46.000) và sản xuất (+22.000). Tiền công lao động bình quân theo giờ tăng 10 cent lên mức $32,46. Trong 12 tháng qua, tiền công lao động đã tăng 5%. Có thể thấy, thị trường lao động trong tháng 9 đang có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên sự mất cân bằng trong cung cầu lao động vẫn đang ở mức cao lịch sử.
Lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 đạt mức 8,2%, giảm 0,1% so với tháng trước[ii]. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 gia tăng chủ yếu do sự tăng giá nơi ở, thực phẩm và dịch vụ y tế. Trong đó, chỉ số giá thực phẩm tiếp tục đà tăng, với mức tăng 0,8%. Chỉ số giá năng lượng giảm 2,1% so với tháng trước, ảnh hưởng chủ yếu bởi sự sụt giảm của chỉ số giá xăng (giảm 4,9%). Trong khi đó, chỉ số giá khí đốt và điện lại thể hiện xu hướng ngược lại, điện tăng 0.4% và khí đốt tăng 2.9%6. Chỉ số giá của tất cả các mặt hàng ngoài thực phẩm và năng lượng tăng 0,6% trong tháng 9, thể hiện xu hướng tương tự như trong tháng 8. Chỉ số giá nơi ở, dịch vụ y tế, bảo hiểm xe cơ giới, xe mới, đồ đạc trong gia đình và giáo dục đều tăng. Trong đó tăng cao nhất là giá dịch vụ vận chuyển (1,9%), dịch vụ y tế (1%) và nhà ở (0,7%). Ngược lại, chỉ số giá của các sản phẩm xe ô tô đã qua sử dụng và quần áo lại thể hiện xu hướng giảm, giảm lần lượt 1.1% và 0.3%.
So với cùng kỳ năm 2021, chỉ số giá của các mặt hàng ít thức ăn hơn và năng lượng tăng 6,6%. Chỉ số giá năng lượng tăng 19,8% so với cùng kỳ năng ngoái, mức tăng nhỏ hơn so với mức tăng 23,8% tính đến tháng 8. Chỉ số lương thực tháng 9 tăng 11,2% so với năm 20216.
Thương mại
Thâm hụt thương mại của Mỹ đã thu hẹp đáng kể từ tháng 3/2022. Mặc dù vậy, mức thâm hụt tổng thể vẫn cao hơn mức trước đại dịch. Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 8 giảm còn 67,4 tỷ USD[iii]; trong đó, thâm hụt hàng hoá giảm 3,4 tỷ USD xuống 87,6 tỷ USD; thặng dự dịch vụ giảm 0,4 tỷ USD xuống mức 20,2 tỷ USD.
Tăng trưởng nhập khẩu chậm lại do các yếu tố liên quan đến bình thường hóa chuỗi cung ứng và các vấn đề địa chính trị chủ yếu đè nặng lên nhập khẩu. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến nhập khẩu giảm là do nhu cầu tiêu dùng chậm lại và hàng tồn kho vượt mức. Hoạt động xuất khẩu duy trì tốt hơn, mặc dù cũng đã giảm trong dữ liệu mới nhất cho tháng 8. Sự tăng giá của đồng đô la và tốc độ tăng trưởng chậm lại rõ rệt ở nước ngoài có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu trong những quý tới. Nhưng xuất khẩu ròng được dự kiến sẽ tạo ra một động lực đáng kể cho tăng trưởng GDP thực tế trong quý 3/2022.
2. Các chính sách kinh tế
Về chính sách tiền tệ: Kể từ tháng 3 năm 2022, Fed bắt đầu đẩy mạnh những nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát ở Mỹ với việc tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm; 0,5 điểm phần trăm và 3 lần tăng lãi suất cơ bản liên tiếp với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm. Mặc dù vậy, giá cả hàng hóa vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Như vậy, trong vòng 8 tháng qua, Fed đã quyết tâm duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, với niềm tin rằng sự hồi phục của thị trường việc làm đủ để giúp nền kinh tế Mỹ chống chọi với sức ép lãi suất gia tăng.
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn 8,2% trong tháng 9 năm 2022, mức thấp nhất trong vòng 7 tháng, song tỷ lệ lạm phát lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) trong tháng 9/2022 lại tăng lên 6,6%, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 1982 và cao hơn so với mức kỳ vọng của thị trường là 6,5%. Như vậy, sau nhiều tháng liên tục tăng lãi suất cơ bản, Fed vẫn chưa thể thành công trong cuộc chiến chống lạm phát.
Sau khi đưa ra quyết định tăng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm trong kỳ họp ngày 21/9/2022, các quan chức Fed thể hiện quan điểm tiếp tục ủng hộ việc tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào tháng 11 và 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 năm 2022[iv]. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm 2022, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất 1,25 điểm phần trăm. Giới đầu tư ở phố Wall đặt cược 97% vào khả năng Fed sẽ áp dụng tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong tháng 11, nghĩa là tháng thứ tư liên tiếp Fed tăng lãi suất ở mức này.
Công cụ lãi suất được coi là vũ khí mạnh nhất mà Fed có thể áp dụng để kiểm soát lạm phát, ổn định lại giá cả hàng hóa, song sự gia tăng lãi suất phải đánh đổi bằng những khó khăn đối với các hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đối với người tiêu dùng đang phải vay nợ. Các động thái tăng lãi suất liên tiếp của Fed cho thấy Fed đang sẵn sàng chấp nhận thậm chí là suy thoái kinh tế để đánh đổi lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Về chính sách tài khóa: Các khoản chi cho năm tài khóa 2022 (kéo dài từ 30/9/2021 đến 30/9/2022) đã giảm ở mức kỷ lục là 550 tỷ USD, xuống còn 6,272 nghìn tỷ USD. Vào ngày 21/10/2022, chính phủ Mỹ báo cáo mức thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2022 đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2021, xuống chỉ còn 1,375 nghìn tỷ USD khi chi tiêu hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giảm và doanh thu của các doanh nghiệp tăng.
Tuy nhiên, các khoản chi ngân sách trong tháng 9/ 2022 cao hơn so với tháng trước, bao gồm 430 tỷ USD trong kế hoạch của chính quyền Tổng thống Biden cho việc xóa nợ đối với các đối tượng sinh viên. Kế hoạch chi ngân sách của chính quyền Tổng thống Biden đã đưa thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tháng 9 năm 2022 tăng lên gấp 6 lần so với mức thâm hụt trong tháng 9 năm 2021 và có thể xóa hết những kết quả từ việc giảm thâm hụt trong thời gian gần đây[v].
3. Nhận định và dự báo
Hội đồng Hội nghị dự báo rằng suy yếu kinh tế sẽ gia tăng và lan rộng hơn trong toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ trong những tháng tới và suy thoái sẽ bắt đầu trước khi năm 2022 kết thúc[vi]. Triển vọng này có liên quan đến lạm phát dai dẳng và chính sách “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang. Hội đồng Hội nghị cũng dự báo rằng tăng trưởng GDP thực tế năm 2022 sẽ ở mức 1,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng năm 2023 sẽ đạt mức 0%.
Dự báo cho quý 3 năm 2022 được nâng từ 0,3% lên 0,5% - phần lớn là do dữ liệu GDP của quý trước đã được điều chỉnh tăng lên và một số chỉ số cho thấy đà kinh tế cải thiện nhẹ vào đầu quý. Tuy nhiên, những cải thiện này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do tăng trưởng kinh tế tiếp tục hạ nhiệt vào quý 4 năm 2022. Mặc dù tăng trưởng tiêu dùng sẽ không giảm xuống dưới 0 trước quý 4 năm 2022, đầu tư sẽ giảm nhanh hơn dưới tác động của lãi suất cao hơn.
Tăng trưởng kinh tế suy yếu trong suốt năm 2022, cùng với lạm phát cao liên tục, phù hợp với môi trường lạm phát đình trệ. Trong khi nới lỏng các ràng buộc từ phía cung và chính sách tiền tệ diều hâu hơn sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát trong những quý tới, lãi suất tăng sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái trên diện rộng. Sự thu hẹp này sẽ tác động đến thị trường lao động và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán đạt đỉnh 4,4%, mức vẫn được cho là khá thấp. Kỳ vọng này phản ánh tình trạng thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ trực tiếp. Cuộc suy thoái sắp tới được kỳ vọng sẽ tương đối ngắn và nhẹ nhàng, và nền kinh tế Mỹ sẽ thoát khỏi suy thoái vào năm 2023 nhưng lạm phát sẽ cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed.
Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát lõi vẫn tiếp tục gia tăng và kinh tế Mỹ suy giảm trong hai quý liên tiếp (quý I và quý II/2022), chúng ta có thể thấy kịch bản “hạ cánh mềm” đang trở nên xa vời. Ở thời điểm này, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đang phải đồng thời chịu lãi suất cao và giá cả hàng hóa hàng hóa, chi phí sản xuất gia tăng. Mặc dù tỷ lệ việc làm và thu nhập vẫn tiếp tục tăng, song nhiều người Mỹ đang nhận thấy họ phải chi nhiều hơn trong khoản thu nhập của mình cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như thực phẩm và chỗ ở, thậm chí họ phải ứng phó với sự gia tăng giá cả tiêu dùng bằng cách dựa vào thẻ tín dụng, và khi lãi suất tăng lên sẽ khiến họ càng khó trả nợ hơn. Bên cạnh đó, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn và các doanh nghiệp không giảm giá hàng hóa ngay cả khi chi phí sản xuất, chi phí đầu vào giảm.
Với dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng 11 và 0,5 điểm phần trăm trong tháng 12 năm 2022, đến cuối năm 2022, lãi suất cho vay ở Mỹ dự kiến sẽ nằm trong khoảng 4,25%-4,5%. Trong bối cảnh đó, rất nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế thể hiện sự lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Tổ chức nghiên cứu Ned Davis công bố kết quả nghiên cứu thông qua mô hình xác xuất cho thấy rằng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023 lên tới 98,1%[vii]. Trong số 10 chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới, có tới 7 người cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng suy thoái[viii].
Tỷ phú, nhà đầu tư Slanley Druckmiller cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh cứng” vào cuối năm 2023 khi chính sách tiền tệ thắt chặt quyết liệt của Fed dẫn đến suy thoái kinh tế Mỹ trong năm 2023[ix]. Ngay cả Fed cũng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ có nhiều nguy cơ suy thoái trong năm tới.
Ngoài những đánh giá về triển vọng tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ, một số ý kiến cho rằng hiện nay Mỹ đang ở trong trạng thái tốt nhất của thị trường việc làm với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức cao và lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng.
4. Tác động đối với Việt Nam
Mặc dù có nhiều dự báo về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023, song nền kinh tế Việt Nam vẫm có nhiều khả năng tiếp tục đà phục hồi. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam vào ngày 16/9/2022, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt nam vẫn tiếp diễn bất chấp các yếu tố bất lợi như lạm phát toàn cầu leo thang, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia là đối tác thương mại chính của Việt Nam chậm lại. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít những vấn đề thách thức.
Thứ nhất, rủi ro lạm phát liên quan đến giá thực phẩm, giá nhiên liệu và các hàng hóa cơ bản. Dù gần đây giá nhiên liệu đã giảm song vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.
Thứ hai, lạm phát ở nhiều quốc gia tăng cao, đặc biệt ở các quốc gia là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, khiến người tiêu dùng ở các quốc gia này phải chắt chặt chi tiêu, làm giảm nhu cầu tiêu thụ, dẫn đến khối lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các quốc gia này cũng giảm sút theo.
Thứ ba, giá đồng đô la tăng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài bán cho thị trường trong nước phải đối mặt với sự gia tăng chi phí đầu vào khiến họ gặp nhiều khó khăn về vốn và sự gia tăng giá thành khiến doanh thu cũng như lợi nhuận của họ giảm sút. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu thu về đồng đô la sẽ được hưởng lợi. Song nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhập hàng về gia công và sau đó xuất khẩu nên họ không được hưởng lợi đáng kể.
Trước tình hình đó, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần có các biện pháp quyết liệt nhằm đối phó với lạm phát và ổn định tỷ giá, đồng thời vẫn thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Để chủ động về nhiên liệu, chính phủ và các doanh nghiệp cần tìm một số nguồn nhập khẩu khác nhau, chuyển dịch năng lượng hướng tới sử dụng năng lượng sạch. Để ứng phó với lạm phát, các doanh nghiệp nên lập quỹ dự phòng nhằm duy trì khách hàng ổn định trước khi tăng giá bán hàng hóa, và việc tăng giá không nên diễn ra đột ngột gây khó khăn cho người tiêu dùng. Còn đối với những rủi ro về tỷ giá, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị trước để đối phó với những rủi ro do tỷ giá vẫn tiếp diễn trong thời gian tới/.
[i] U.S. Bureau of Labor Statistics (2022). THE EMPLOYMENT SITUATION — SEPTEMBER 2022.
[ii] U.S. Bureau of Labor Statistics (2022). Consumer Price Index Summary
[iii] Bureau of Economic Analysis (2022). International Trade in Goods and Serviceshttps://www.bea.gov/data/intl-trade-investment/international-trade-goods-and-services
[iv] Sunil Dhawan (October 2022), US Fed to hike rates by 1.25% before the end of calendar year, https://www.financialexpress.com/investing-abroad/featured-stories/us-fed-to-hike-rates-by-1-25-before-the-end-of-calendar-year/2722539/
[v] David Lawder (2022), U.S. 2022 budget dedicit halves to $1.375 trillion despite student loan costs, Reuters, https://www.reuters.com/markets/us/us-fy-2022-budget-deficit-halves-1375-trln-despite-student-loan-costs-2022-10-21/
[vi] The Conference Board (2022). The Conference Board Economic Forecast for the US Economy
[vii] Phil Rosen (2022), There's now a 98% chance of a global recession - which signals a severe downturn and more downside risk for stocks, research group says.
[viii] World Economic Forum (2022), Global Recesion Increasingly Likely as Cost of Living Soars, say Chief Economists, https://www.weforum.org/press/2022/09/global-recession-increasingly-likely-as-cost-of-living-soars-say-chief-economists/
[ix] Market Watch (2022), ‘We are in deep trouble’: Billionaire investor Druckenmiller believes Fed’s monetary tightening will pust the economy into recession in 2023.