Tại Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác trên thế giới hiện nay, khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì ảnh hưởng của các rào cản phi thuế quan đến hoạt động xuất khẩu ngày càng phức tạp. Một trong những nghành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ các rào cản phi thuế quan này là ngành thủy sản. Vốn được coi là một trong những ngành có lợi thế nhất của Việt Nam bởi được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài hơn 3.260 km và khu đặc quyền kinh tế với diện tích hơn 1 triệu km2. Tiềm năng nguồn lợi thủy sản của Việt Nam vào khoảng 4,2 triệu tấn. Trong đó, sản lượng đánh bắt cho phép hàng năm là 1,7 triệu tấn . Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản nước ta trong năm 2014 đạt tổng sản lượng 6,3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 7,92 tỷ USD, vượt 11,6% so với kế hoạch[1]. Năm 2015, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2014 nguyên nhân chủ yếu do “giá điện tăng, bảo hiểm xã hội tăng, lãi suất cho vay tăng; trong khi các cam kết TPP, FTA khiến cho cánh cửa xuất khẩu rộng mở nhưng đồng thời hàng rào kỹ thuật tăng thêm”[2]. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá giảm toàn cầu, sản lượng vẫn giữ là thành công của toàn ngành thủy sản. Bên cạnh những thành tựu đạt được, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản từ những thị trường nhập khẩu khó tính, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ được xem là một trong những thị trường trọng điểm đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vì đây là thị trường đông dân cư, thị hiếu đa dạng và nhu cầu tiêu dùng hàng thủy sản hàng năm rất lớn. Trong nhiều năm gần đây, Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong năm 2014 đạt 1.709 tỷ USD, tăng 17,29% so với năm 2013[3]. Tuy nhiên, Hoa Kỳ ngày càng đưa ra nhiều biện pháp phức tạp và tinh vi hơn để bảo hộ ngành thủy sản nội địa, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các loại rào cản phi thuế quan đối với hàng thủy sản Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là rào cản kỹ thuật, rào cản chống bán phá giá... Nhiều năm qua các mặt hàng thủy sản cá tra và tôm của Việt Nam không năm nào không phải chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ phía Hoa Kỳ. Năm 2014, cùng với những bất lợi của thời tiết khiến dịch bệnh trên tôm xuất hiện tại một số nơi, thủy sản Việt Nam tiếp tục gặp phải rào cản phi thuế quan mới tại thị trường Hoa Kỳ như: Luật hiện đại hóa thực phẩm, Luật trang trại, điều tra chống bán phá giá cá tra và điều tra chống bán phá giá có nguy cơ lặp lại... Những vấn đề này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn và thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và ngành thủy sản nói chung... Trong bối cảnh này, nghiên cứu một cách toàn diện các rào cản phi thuế quan để cung cấp luận cứ khoa học cho việc đàm phán, yêu cầu đối tác Hoa Kỳ mở cửa thị trường và tìm ra các biện pháp thích hợp để vượt được các rào cản, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, là một công việc thực sự cần thiết cả về lí luận và thực tiễn hiện nay.
Đề tài gồm 3 chương:
Chương 1. Khái quát hệ thống rào cản phi thuế quan của Hoa Kỳ đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam
Chương 2. Tác động và các ứng phó của Việt Nam với rào cản phi thuế quan của Hoa Kỳ đối với mặt hàng tôm xuất khẩu
Chương 3. Một số kiến nghị và giải pháp ứng phó với rào cản phi thuế quan nhằm thúc đẩy xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ
[1] VASEP, 2015, Xuất khẩu thủy sản năm 2015 tiếp tục tăng, http://vasep.com.vn/Tin-Tuc/1219_39450/Xuat-khau-thuy-san-nam-2015-tiep-tuc-tang.htm
[2] Dương Ngọc Minh, “Tổng kết Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2015”, http://www.fistenet.gov.vn/f-thuong-mai-thuy-san/a-xuat-nhap-khau/tong-ket-xuat-khau-thuy-san-viet-nam-2015.
[3] VASEP, 2015, Xuất khẩu thủy sản năm 2015 tiếp tục tăng, http://vasep.com.vn/Tin-Tuc/1219_39450/Xuat-khau-thuy-san-nam-2015-tiep-tuc-tang.htm